Đồng hành cùng các phóng viên đến thăm  Hệ thống nhà máy theo tiêu chuẩn toàn cầu của Volkswagen tại Trung Quốc để được “mục sở thị” 2 nhà máy của Volkswagen tại Ninh Ba và Thượng Hải - nơi sản xuất các mẫu xe được đưa về  Việt Nam như Viloran, Teramont X hay mẫu xe điện ID.6 X.

 

Nhà máy Ninh Ba nằm ở khu vực Vịnh Hàng Châu, ở bờ nam của cầu vượt biển Vịnh Hàng Châu. Đây là chi nhánh thứ ba và là nhà máy lớn nhất được SAIC Volkswagen xây dựng bên ngoài Thượng Hải. Tổng vốn đầu tư của hai giai đoạn là khoảng 31 tỉ nhân dân tệ. Nhà máy có tổng diện tích xây dựng 920.000 mét vuông và công suất 600 ngàn xe mỗi năm. Nhà máy Ninh Ba hiện đang sản xuất nhiều thương hiệu và dòng xe như Teramont, Teramont X, Viloran và Tharu.

Nhà máy Ninh Ba được xây dựng theo ý tưởng về nhà máy tiêu chuẩn hóa toàn cầu của Volkswagen Đức với bốn xưởng chính: dập, thân xe, sơn và lắp ráp cuối cùng. Ngoài ra, nơi đây còn được trang bị trung tâm công nghệ, trung tâm năng lượng, trung tâm đào tạo, trung tâm trưng bày, trung tâm hoạt động nhân viên…Năm 2015, nhà máy lập kỷ lục Guinness về “nhà máy xanh”. Cụ thể hơn, nơi đây có thể tạo ra hơn 65 triệu kilowatt giờ năng lượng điện sạch mỗi năm, đáp ứng 20% tổng lượng điện tiêu thụ của nhà máy, tiết kiệm 19.500 tấn than tiêu chuẩn và giảm 51.200 tấn lượng khí thải nhà kính như carbon dioxide.

Với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn vào khoảng 31 tỉ nhân dân tệ, nhà máy Ninh Ba được xây dựng theo tiêu chuẩn toàn cầu của Volkswagen Đức.

Nhà máy Ninh Ba cũng sử dụng máy ép tốc độ cao đầu tiên được trang bị hệ thống BDE với tốc độ đột dập tối đa 18 lần/phút (tức là có thể sản xuất 18 thành phẩm mỗi phút)". Ở đây có xưởng chế tạo thân xe áp dụng công nghệ nền tảng MQB tiên tiến nhất của Volkswagen với tổng số hơn 1.100 robot. Đây hiện là xưởng thân xe có số lượng robot lớn nhất cùng tỷ lệ tự động hóa lên tới 78%. Bên cạnh đó là hệ thống lắp ráp trần xe sử dụng các cảm biến quang điện tiên tiến nhất giúp giảm đáng kể số lượng nhân viên và chi phí. 

Xưởng lắp ráp tại nhà máy Ninh Ba.

Tại nhà máy Ninh Ba, quy trình hàn laser trần xe có yêu cầu cực kỳ cao đối với ghép nối các chi tiết thân xe và bền chắc hơn so với hàn điểm thông thường. Một trạm đo trực tuyến khung thân xe giúp phát hiện khiếm khuyết để loại bỏ. Nhà máy còn sử dụng dây chuyền lắp ráp hệ thống khung gầm trứ danh của Volkswagen. Bên cạnh đó là công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến qua chip RFID - tương đương với thẻ ID của một con người.

Quy trình hàn laser trần xe có yêu cầu cực kỳ cao.

Trong chuyến đi lần này, người viết bài còn cực kỳ ấn tượng với công nghệ xử lý thẻ không cần giấy tờ. Đây chính là kết nối mạng thông minh, số hóa và là một trong những sáng kiến quản lý chất lượng. Công nghệ giúp thuận tiện hơn cho việc kết nối thông tin, phân tích dữ liệu, giám sát di động và cảnh báo sớm. Ngoài ra, nhà máy còn có khu vực kiểm tra lại và hoàn thiện qua bảng kiểm tra điện tử PSK. Hệ thống này ghi lại số lần làm lại và thời gian làm lại của từng xe thông qua camera.

Trong khi đó, nhà máy Anting đặt tại Thượng Hải là nơi sản xuất các dòng xe điện như ID.3, ID.4 X, ID.6 X và mẫu xe thuần điện Audi Q5 e-tron. Xưởng lắp ráp xe điện tại nhà máy Anting có diện tích 62.600 mét vuông, với tổng cộng 6 dây chuyền sản xuất chính, 2 dây chuyền lắp ráp trước mô-đun và dây chuyền thử nghiệm, khu vực chỉnh sửa và khu vực giao hàng. 

Nhà máy Anting Thượng Hải là nơi sản xuất các dòng xe điện như ID.3, ID.4 X, ID.6 X.

Trạm lắp ráp khung gầm tại Anting hiện là nền tảng lắp ráp hoàn toàn tự động đầu tiên của SAIC Volkswagen. Nền tảng này không sử dụng nhân viên vận hành. Nó chủ yếu tự hoạt động lắp ráp, không sử dụng người điều khiển thông qua công nghệ cấp liệu tự động, lắp ráp tự động và công nghệ nhận dạng trực quan.

Nhà máy Anting Thượng Hải nhìn từ trên cao.

Trạm thử nghiệm tại đây sẽ là nơi tiến hành kiểm tra hệ thống chiếu sáng, căn chỉnh bốn bánh và các công việc khác. Việc đo lực phanh động được hoàn thành ở khu vực thử phanh. Vì cả quá trình này không hề phát thải nên toàn bộ khu vực phanh được xây dựng hoàn toàn trong suốt và không gian mở, không có thiết bị thông gió, xả thải ở trên trần. Đây cũng là đặc điểm của quá trình lắp ráp cuối cùng MEB, Volkswagen không chỉ đáp ứng các yêu cầu về quy trình mà còn góp phần nâng cao khả năng trung hòa khí thải carbon của toàn bộ khu vực.

Quy trình hàn tổng hợp vô cùng hiện đại bên trong nhà máy.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Volkswagen với 33 nhà máy sản xuất xe và linh kiện, bàn giao 2,4 triệu xe vào năm 2021 và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với tư cách là lựa chọn số 1 của khách hàng Trung Quốc. Tính đến năm 2023, Tập đoàn Volkswagen tại Trung Quốc có khoảng 500.000 nhân viên tại Trung Quốc, bao gồm cả những nhân viên thuộc liên doanh toàn cầu và năng lực sản xuất hàng năm là khoảng 5 triệu xe.